Thị trường sôi động
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, 11 tháng năm 2017, TP.HCM có 37.596 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 500.751 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại quận 1, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân. Ngoài ra, có 55.042 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
Trong đó, loại hình công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất (58,8%) với 22.097 doanh nghiệp; tiếp theo là công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm 27,8% với 10.448 doanh nghiệp; công ty cổ phần có 4.537 doanh nghiệp; chiếm 12%; doanh nghiệp tư nhân có 510 doanh nghiệp, chiếm 1,4%; công ty hợp doanh có 4 doanh nghiệp, chiếm 0,01%.
Văn phòng G Office tại HaDo Building (số 2 Hồng Hà, Q. Tân Bình)
Theo giới phân tích, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh chính là cú huých tạo đà cho phân khúc văn phòng cho thuê tại TP.HCM. Số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, 11 tháng năm 2017, thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy trên dưới 80%. Tổng nguồn cung văn phòng cho thuê trên địa bàn thành phố hiện đạt khoảng 1,8 triệu m2 sàn.
Trong quý III/2017, văn phòng cho thuê tại TP.HCM đón nhận thêm 5 dự án mới, giúp tăng tổng nguồn cung lên thêm 8% văn phòng loại A. Giá thuê văn phòng hạng A bình quân khoảng 36,7 USD/m2/tháng, giảm nhẹ so với tháng 6/2017 (37 USD/m2/tháng), hạng B khoảng 20,7 USD/m2/tháng, giảm nhẹ so với tháng 6/2017 (22 USD/m2/tháng).
Đánh giá về thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM hiện nay, ông Jonathon Clake, Giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, giá bất động sản và tỷ suất sinh lợi tổng thể ở Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư ngoại đến từ các thị trường phát triển hơn nhưng đang tăng trưởng chậm hơn.
Họ nhìn thấy nhu cầu phát triển doanh nghiệp mới và những doanh nghiệp nước ngoài đang đổ bộ vào TP.HCM để đặt văn phòng đại diện. Đặc biệt, khảo sát cho thấy, các khách hàng tích cực tìm kiếm các mặt bằng văn phòng có diện tích lớn thuộc về các ngành công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ... Nhóm doanh nghiệp TNHH và doanh nghiệp nhỏ thì lựa chọn những văn phòng diện tích nhỏ.
Hứa hẹn sức bật năm 2018
Cuối tháng 11 vừa qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc tiếp xúc với một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Nhà đầu tư này sang TP.HCM lần thứ 4 trong năm 2017 để tìm mua một cao ốc văn phòng hạng A tại quận 1 hoặc quận 3 để phát tiếp tục phát triển cho thuê. Tuy nhiên, dù đặt hàng cho nhiều công ty nghiên cứu thị trường nhưng nhà đầu tư này vẫn chưa thể tìm được dự án ưng ý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một người chuyên môi giới dự án địa ốc cho nhà đầu tư ngoại cho rằng, đơn đặt hàng của nhà đầu tư Nhật này là cực khó vì thị trường hiện nay sôi động, có văn phòng cho thuê luôn lời nên chủ đầu tư ít tính chuyện bán văn phòng đang khai thác.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại có thể thâu tóm quỹ đất để phát triển cao ốc văn phòng cho thuê tại các quận trung tâm. Hiện những quỹ đất 1 - 2 ha có thể phát triển cao ốc văn phòng vẫn còn khá nhiều”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, một tín hiệu tích cực cho thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM năm 2018 nữa đó là việc từ năm 2018, TP.HCM chính thức áp dụng chính sách di dời 2.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại các chung cư ra khỏi chung cư. Đây sẽ là nguồn cầu lớn cho thị trường văn phòng cho thuê.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định, 2018 sẽ là năm trỗi dậy của thị trường văn phòng cho thuê tại TP.HCM, bởi hiện nay, TP.HCM được hưởng cơ chế đặc thù trong phát triển kinh tế.
Ngoài ra, với hàng loạt hiệp định kinh tế được ký kết và vô số cơ hội hội nhập đầy hứa hẹn sẽ tạo cho TP.HCM sức hút doanh nghiệp ngoại vào đầu tư và cần thuê văn phòng làm việc. Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố cũng đang đưa ra hàng loạt cải cách hành chính trong việc kêu gọi doanh nghiệp trong nước thành lập và doanh nghiệp ngoại vào đầu tư.
“Với sự phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đầu tư của họ vào tất cả các phân khúc bất động sản. Trong đó, nhà đầu tư tập trung vào văn phòng và khách sạn do sự bùng nổ của ngành du lịch tại Việt Nam cũng như sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp và kho vận”, ông Neil MacGregor nhận định.